Chế biến quế nguyên liệu thành sản phẩm OCOP của anh Lực
Trăn trở chuyện sản phẩm
Chàng thanh niên Lê Đình Lực gắn bó với vùng cao Nam Trà My đã hơn 5 năm nay, nhờ đặc thù công việc là cán bộ Địa chính – Nông nghiệp và Xây dựng của xã, anh đã có rất nhiều thời gian khảo sát, nghiên cứu về cây Quế Trà My trên địa bàn Trà Leng.
Anh Lực cho biết, Trà Leng hiện có 546 hộ với hơn 2316 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo khá cao, chiếm đến 67,03% dân số toàn xã. Từ lâu, bà con nhân dân đã gieo trồng Quế Trà My và cho đến nay, Quế trở thành một loài cây dược liệu quý giúp đồng bào nơi đây tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên việc trồng và chế biến cây quế còn gặp nhiều khó khăn do chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung, mức đầu tư khá lớn, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây dược liệu còn hạn chế. Do đó, việc bà con có thể tiếp cận các mô hình sản xuất hiện đại để tạo ra sản phẩm là rất khó khả thi.
“Lúc mới lên đây công tác, mình thấy Quế rất có giá trị, Trà Leng lại là địa phương định hướng phát triển Quế Trà My làm chủ đạo phát triển kinh tế, hướng tới giảm nghèo bền vững; nhưng vì điều kiện khó khăn, không có trang thiết bị thu hoạch, vận chuyển nên bà con chủ yếu thu mua theo kiểu truyền thống. Điều này vô hình trung khiến cho Quế Trà My dần đánh mất thương hiệu của mình” – Anh Lực chia sẻ.
Nhận thấy đầu tư vào cây Quế là một giải pháp mang định hướng lâu dài, được sự động viên của gia đình và bạn bè nên năm 2018, anh Lực quyết định thành lập cơ sở sản xuất sản phẩm từ cây Quế và đặt thương hiệu là Hoa Quế. Chỉ một năm sau, các sản phẩm do cơ sở của anh sản xuất đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Nhiều thách thức
Cơ sở sản xuất sản phẩm từ Quế Trà My của anh Lực được đặt ngay tại thôn 1, xã Trà Leng, nhờ đó quá trình thu mua, sản xuất gặp nhiều thuận lợi. Song vẫn có không ít các yếu tố gây trở ngại cho quá trình hoạt động của cơ sở.
Theo anh Lực, yếu tố đầu tiên và lớn nhất mà cơ sở anh đang gặp phải là điều kiện hạ tầng, kĩ thuật ở địa phương. “Đường giao thông vào xã từ tỉnh lộ 616 đi vào trung tâm xã thường bị sạt lỡ gây gián đoạn cho việc đi lại, hầu hết các thôn trong xã chưa có đường giao thông đi đến mà chủ yếu là đường dân sinh, đường mòn xe cộ không đi lại được kể cả xe máy và xe đạp. Điều này tác động không nhỏ đến quá trình thu mua và vận chuyển nguyên liệu” – anh Lực nói.
Bên cạnh đó, mạng lưới cung cấp cấp điện cũng không đảm bảo cho quá trình sản xuất sản phẩm. Hiện tại, cơ sở Hoa Quế của anh Lực có 4 máy phục vụ sản xuất gồm: máy lột vỏ, cắt vỏ, xay bột và hàn miêng bao bì, nhưng tất cả đều chưa thể hoạt động hết công suất vì nguồn điện không đáp ứng được, do đó đa số công đoạn do nhân công thực hiện thủ công.
Để mở rộng sản xuất và đưa thương hiệu Hoa Quế ra thị trường, cơ sở này buộc phải nâng cấp mô hình và sản phẩm lên 4 sao với nhiều điều kiện, trong đó cơ sở phải tham gia vào một Hợp tác xã tại địa phương. Năm 2020, xã Trà Leng thành lập Hợp tác xã sản xuất Quế giống, hướng đến sản xuất sản phẩm từ Quế Trà My với 7 hộ đăng ký tham gia. Tuy nhiên, trận sạt lở do bão số 9 gây ra hồi cuối tháng 10.2020 đã cuốn trôi hoàn toàn vườn quế giống và cơ sở vật chất của Hợp tác xã này, đến nay vẫn chưa thể khôi phục lại được, mục tiêu của Hoa Quế lại bị gián đoạn.
Mặc dù thách thứ không nhỏ, nhưng với mục tiêu kiên đinh, anh Lực đã từng bước đưa cơ sở Hoa Quế thích nghi và vượt qua rất nhiều gia đoạn khó khăn như thế.
Quảng bá sản phẩm từ quế Trà My tại phiên chợ Sâm và dược liệu hằng tháng
Nâng tầm thương hiệu
Trên địa bàn xã Trà Leng, cơ sở Hoa Quế của anh Lê Đình Lực là mô hình tiên phong trong việc biến Quế nguyên liệu thành những sản phẩm có giá trị cao về chất lượng và giá thành. Bên cạnh thu mua và bao tiêu nguyên liệu, cơ sở của anh cũng mang lại việc làm cho 5 – 6 người dân địa phương, thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, mỗi năm cơ sở thu mua Quế nguyên liệu với giá 60.000 đồng/ký chưa cạo vỏ và 90.000 đồng/ký đối với Quế đã được cạo sạch vỏ, góp phần giải quyết nguyên liệ tại chỗ cho địa phương. Với nguồn thu khoảng 150 triệu đồng/năm, sau chi trừ các khoản chi phí, bình quân cơ sở thu lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/năm.
Hiện nay, cơ sở vẫn bám sát mục tiêu nâng cấp thành mô hình 4 sao để dễ dàng tiếp cận thị trường. Với sản phẩm ban đầu gồm bột Quế gia vị, túi thơm Hoa Quế, cơ sở sẽ tiếp tục nghiên cứu và cho ra tinh dầu quế cà các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ thân quế Trà My.
“Bên cạnh duy trì sản xuất ổn định, cơ sở sẽ tiếp tục chiến dịch quảng bá thương hiệu Quế Trà My trên thị trường bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó tập trung giới thiệu trên các trang bán hàng online, chào bán trực tiếp tại phiên chợ Sâm Ngọc Linh và dược liệu do huyện Nam Trà My tổ chức hằng tháng. Cơ sở cũng hướng tới mục tiêu sẽ đưa sản phẩm có mặt tại nhiều điểm tạp hóa và siêu thị trong tỉnh Quảng Nam, phát triển thí điểm ở thị trường Đà Nẵng” – anh Lực cho hay
Thực tế cho thấy, Quế Trà My mang lại nhiều giá trị to lớn về mặt dược học, nên nhu cầu tiêu dùng trên thị trường diễn ra ở mức cao. Việc đa dạng hóa các sản phẩm góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Nam Trà My nói chung và xã Trà Leng nói riêng.
Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, cơ sở Hoa Quế của anh Lê Đình Lực là mô hình tiên phong trong việc phát triển sản xuất các sản phẩm OCOP tại địa phương. Bên cạnh đó, cơ sở cũng góp phần bao tiêu nguồn nguyên liệu và giải quyết việc làm cho người dân.
“Mặc dù mới thành lập nhưng tính khả thi rất cao, chất lượng sản phẩm đều đạt chuẩn. Những khó khăn về cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến quá trình phát triển sản phẩm, địa phương sẽ nỗ lực khắc phục trong thời gian tới. Bên cạnh đó xã cũng sẽ hỗ trợ định hướng nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, đồng thời sản xuất thêm các sản phẩm mới để đưa ra thị trường” - ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, hiện diện tích quế của xã tầm 5 - 20 năm tuổi có khoảng 722,5 ha, trong đó trồng tập trung 240,2 ha, trồng phân tán 482,3 ha. “Một tín hiệu vui là quế có giá, nhiều hộ bán cả 100 triệu đồng, có hộ vài chục triệu đồng, hộ ít nhất 5 triệu đồng, nhân dân bước đầu phấn khởi. Để phát triển cây quế, xã đã tuyên truyền đến đông đảo người dân chăm sóc, bảo vệ cây lớn, lấy hạt giống để phục vụ tại chỗ, ươm tại chỗ. Vùng trồng quế được quy hoạch thêm ở những địa bàn thuận lợi cho khai thác” – Ông Cường cho biết.